Dự thảo chiến lược phòng chống ung thư của TP.HCM xuất phát từ việc ung thư đang gia tăng.
Theo số liệu ghi nhận ung thư quần thể (do Bệnh viện Ung bướu làm đầu mối), số trường hợp mắc ung thư năm 2017 đã lên đến 11.292 người, trong đó nam giới là 5.014 và nữ giới là 6.278.
Dự thảo chiến lược phòng chống ung thư của TP.HCM bao gồm 6 giải pháp.
Thứ nhất, triển khai hiệu quả các giải pháp truyền thông, giáo dục sức khỏe, tiêm ngừa vắc xin… trong phòng ngừa ung thư.
Thứ hai, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ tầm soát phát hiện sớm bệnh lý ung thư trong cộng đồng, bao gồm cả chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại tuyến y tế cơ sở.
Thứ ba, xây dựng và củng cố mạng lưới y tế về chẩn đoán, điều trị ung thư rộng khắp từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị ung thư tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối.
Thứ tư, xây dựng, hoàn thiện mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư trong cộng đồng.
Thứ năm, chuyển đổi số công tác báo cáo, giám sát các trường hợp bệnh nhằm quản lý dữ liệu bệnh nhân ung thư, từng bước hình thành bản đồ điều trị ung thư tại TP.HCM.
Cuối cùng, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống ung thư.
Theo: thanhnien.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.